Đức Cha Pierre Lambert de la Motte
Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte là một trong ba vị Giám Mục thừa sai người Pháp tiên khởi trong chức vụ Đại Diện Tông Tòa được gửi sang truyền giáo tại miền Đông Nam Á vào thế kỷ XVII. Ngoài việc truyền chức cho các linh mục bản xứ Việt Nam và thiết lập hàng giáo sĩ địa phương, Ngài còn có công sáng lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Một tu hội nữ đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, dành cho người Việt Nam và để phục vụ cho dân tộc Việt Nam. Sát cánh với các vị thừa sai khác, Ngài đã gieo vào lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam một nền linh đạo tập trung vào Chúa Kitô chịu–đóng–đinh, để chính nền linh đạo này đã trở nên động lực vững chắc thúc đẩy hàng trăm ngàn tín hữu Việt Nam mạnh dạn tuyên xưng đức tin trong suốt gần 300 năm cấm đạo.
Sau đây là vài nét về cuộc đời của Đức cha Lambert de la Motte.
I. Từ thời niên thiếu đến khi làm Giám Mục (1624 – 1660)
1. Thời niên thiếu
Ngài chào đời năm 1624 tại giáo phận Lisieux, vùng Normandie, phía Tây Bắc nước Pháp. Ngài mang tên thánh Phêrô từ giếng rửa tội. Hình như Thiên Chúa quan phòng muốn dùng điềm báo tốt lành đó để nhấn mạnh việc sau này, khi Tòa Thánh gửi các vị Đại Diện Tông Tòa đến truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc lân cận. Đức Cha Lambert de la Motte sẽ là viên đá nền móng cho hàng Giáo Phẩm của các Giáo Hội mới mẻ đó. Chính Ngài sẽ làm cho các dân tộc nhìn nhận và tôn kính quyền bính của thánh Phêrô.
Từ năm 8 tuổi, ngài đã có tính cách chững chạc của một con người trưởng thành chín chắn. Vào quãng 9 tuổi, ngài bị cuốn hút vào ý tưởng về một nhóm người mang tên là Những Người Mến Thánh Giá. Ngài cảm thấy rất hợp với ngài vô cùng và muốn sống cuộc sống của họ.
2. Thời thanh niên
Đức Cha Lambert theo học trường các cha Dòng Tên tại thành phố Caen; và trong thời gian theo học tại đây, ngài đã chịu tang song thân của ngài. Từ triết học, ngài chuyển sang luật, sau đó trở thành luật sư và làm việc tại tòa án Thuế Vụ Rouen. Ngài dọn chỗ đến ở bên cạnh trường học của các cha Dòng Tên. Cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, ngài đều đến nhà thờ các Cha Dòng để nguyện ngắm và đọc kinh nhật tụng theo lòng đạo đức riêng. Sau đó, ngài mới về nhà để đi xét xử cho những người đang chờ ngài ở Tòa An Thuế.
Ngài đặt mình dưới sự hướng dẫn của cha Hayneuve Dòng Tên. Đó là vị linh hướng đầu tiên Đức Cha Lambert đã chọn để làm thầy hướng dẫn đời sống Kitô hữu và tu đức cho Ngài. Khoảng cuối năm 1654, Thiên Chúa đã soi lối dẫn đường cho ngài đến sống một thời gian bên cạnh ông Jean de Bernière ở Caen, một người sống theo lời khuyên Phúc Am như một đấng thánh. Dưới đôi mắt của vị thầy giỏi giang như vậy, ngài đã tiến những bước thật dài trên con đường chiêm niệm, và ngài luôn tha thiết xin Chúa thi ân biểu lộ ra bậc sống nào Chúa muốn ngài đi theo.
3. Năm năm linh mục (1655 – 1660)
Tại Caen, để chuẩn bị chịu chức linh mục, ngài bắt đầu một cuộc cấm phòng 30 ngày kể từ ngày 25 tháng 6 năm 1655. Ngày 25 tháng 7, sau cuộc cấm phòng 30 ngày, ngài bắt đầu thực hiện cuộc hành hương khổ nhục tới thành phố Rennes, tin rằng dự định này sẽ làm đẹp lòng Chúa để chuẩn bị tâm hồn đón nhận các chức thánh mà ngài xét thấy mình vô cùng bất xứng. Nhân dịp Đức Giám Mục giáo phận Bayeux tới Caen, ngài xin chịu phép cắt tóc để gia nhập hàng giáo sĩ, và bốn chức nhỏ là: giữ cửa, đọc sách, trừ quỷ, và giúp lễ. Ngày 21 tháng 12, ngài lãnh nhận chức linh mục vào lễ thánh Gioan Thánh Sử, tại nhà thờ chánh tòa Bayeux.
Sau khi thụ phong linh mục ngày 27.12.1655, cha Phêrô tới phục vụ ở Rouen. Tại đây, ngài cộng tác với em ruột là thầy Nicolas Lambert de la Boissière, lập một chủng viện, trao cho các tu sĩ Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria của Thánh Jean Eudes điều khiển. Đồng thời, ngài hăng say dạy giáo lý cho trẻ nhỏ, thành lập một cô nhi viện và một trung tâm tiếp đón những thiếu nữ hư hỏng. Ngài gia nhập Hiệp Hội Thánh Thể, và được Hiệp Hội đặt làm Giám Đốc Trung Tâm Xã Hội Rouen để tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp.
Nhân dịp đi công tác tại Paris cho Trung Tâm năm 1657, nhờ sự giới thiệu của thầy đại chủng sinh Nicolas, em ruột của ngài, ngài làm quen với nhóm Bạn Hiền. Nhóm này được cha Đắc Lộ trình bày cho biết tình trạng Giáo Hội Đông Á, và điều cha thỉnh cầu với Tòa Thánh là xin gửi vài vị Giám Mục Đại Diện Tông Tòa sang đó điều khiển công cuộc truyền giáo và thiết lập hàng giáo sĩ địa phương.
Sau khi bàn hỏi với cha linh hướng Hallé về ơn soi sáng mới xuất hiện trong nội tâm, và sau ba ngày cầu nguyện, cha Lambert quyết định xin gia nhập Nhóm Bạn Hiền để vận động cho chương trình Viễn Đông. Ngài tình nguyện tháp tùng các vị Đại Diện Tông Tòa tương lai trong tư cách một nhà thừa sai bình thường. Ngài muốn dâng hiến tất cả phần gia sản còn lại của ngài vào việc truyền giáo này.
Từ Paris, Cha Lambert tới tĩnh tâm tại Annecy, cầu nguyện lâu giờ bên mộ thánh Francois de Sale và thánh Jeanne Francoise de Chantal. Ngài nhận được ơn soi sáng để nhận thấy: “Linh mục và Nữ tu là hai nguồn mạch tuôn đổ đức tin và đức ái xuống trên một đất nước: Linh mục là hiện thân của lòng nhiệt thành…, còn Nữ tu là biểu tượng cho sự trong trắng và kết hợp đời sống cầu nguyện với việc bác ái phục vụ. Phần gia nghiệp của Linh Mục là chinh phục các linh hồn, còn các Nữ tu là xoa dịu nỗi khổ của tha nhân…”
Cuộc thương lượng tại Roma và hành hương sang Đông Á
Tại Annecy, Cha Lambert nhận được thư của cha Francois Pallu mời sang Roma tiếp tay thương lượng với Tòa Thánh về chương trình Viễn Đông. Nhờ sự dấn thân của Cha Lambert, chương trình Viễn Đông được chấp thuận nhanh chóng.
Ngày 29.7.1658, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII bổ nhiệm Cha Lambert làm Giám Mục hiệu tòa Beryte; và ngày 9.9.1659, Tòa Thánh lại bổ nhiệm Đức Cha Lambert làm Đại Diện Tông Tòa, phụ trách miền Đàng Trong Việt Nam, Chiêm Thành, Cam Bốt, bốn tỉnh miền Tây và Nam Trung Hoa với đảo Hải Nam.
Ngày 11.6.1660, Cha Lambert được tấn phong Giám Mục tại nhà nguyện Sainte-Marie của dòng Thăm Viếng tại Paris. Sau khi được tấn phong, ngài lại thu xếp một cuộc tĩnh tâm ngắn ngày để chuẩn bị cho chuyến đi.
Ngày 27.11.1660, Đức Cha Lambert cùng với đoàn thừa sai lên tàu vượt Địa Trung Hải đi Thái Lan; và đến ngày 22.8.1662, Đức Cha và phái đoàn đến Juthia, thủ đô Thái Lan.
II. Sự nghiệp thừa sai (1662 – 1676)
Việc đầu tiên của Đức Cha Lambert tại Juthia là tĩnh tâm 40 ngày trọn. Sau đó, ngài khởi công xây dựng cơ sở cần thiết như nhà ở, nguyện đường, trường học để dạy văn hóa cho trẻ em và một nhà thương. Trong thời gian này, ngài đã trải qua một kinh nghiệm thiêng liêng rất là đặc biệt. Chính trong kinh nghiệm thiêng liêng này, một lần nữa ngài lại nhận ra ơn Chúa soi sáng muốn ngài thành lập một hiệp hội những người yêu mến Thánh Giá.
Ngài đã một mình điều hành công việc truyền giáo cho cả vùng Đông Á; và đã thực hiện được những chương trình sau đây:
Kinh lý các miền Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Truyền chức cho các linh mục bản xứ.
Triệu tập công đồng Juthia năm 1664; soạn thảo huấn thị gửi các vị Thừa Sai.
Thành lập Hội Tông Đồ năm 1665 (1669: Tòa Thánh không phê chuẩn vì kỷ luật quá nghiêm khắc).
Thành lập chủng viện Thánh Giuse cho vùng Đông Nam Á năm 1667
Lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá tại thế.
Triệu tập công đồng Phố Hiến (14.02.1670).
Thành lập dòng nữ Mến Thánh Giá Đàng Ngoài và Đàng Trong (năm 1670 – 1671).
Triệu tập công đồng Hội An (1672).
Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Thái Lan (1672).
Tấn phong Giám Mục và bổ nhiệm Đức Cha Laneau làm Giám Mục Tông Tòa thay cho Đức Cha Cololendi (1674).
III. Những năm tháng cuối đời (1676 – 1679)
Tại chủng viện Thánh Giuse, mặc dù sức khỏe Đức Cha kém dần, ngài vẫn tiếp đón nhiều nhân vật quan trọng đạo đời và tạo nhiều mối quan hệ thân tình sâu sắc với giới tăng lữ Phật Giáo. Điều ngài thích nhất là nguyện ngắm và làm những việc khiêm tốn như săn sóc bệnh nhân, thăm viếng tù nhân và rao giảng Phúc Am cho người nghèo khổ.
Thiên Chúa ban cho ngài được hưởng niềm vui chu toàn sứ mạng do Tòa Thánh trao phó là tranh đấu cho điều mà cha Đắc Lộ đã đề xuất. Đó là thiết lập chức Đại Diện Tông Tòa để điều khiển công việc truyền giáo tại Đông Á.
Chứng bệnh sạn thận làm cho Đức Cha Lambert đau đớn nhiều, khiến ngài cảm thấy cần được yên tĩnh để cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh. Trong cơn bệnh ngài thường tự nhủ: “can đảm lên, giờ gần đến, ta hãy chịu khó vì Chúa”. Và ngài không ngừng dâng lời tạ ơn: “Đến muôn đời con ca ngợi lòng từ bi Chúa”.
Bốn giờ sáng ngày 15.6.1679, Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte an nghỉ trong Chúa tại Juthia, Thái Lan.
IV. Chân dung tinh thần
1.Con người cương nghị và nhiệt thành
Dung mạo Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte là một tổng hợp giữa những nét oai nghiêm và mộc mạc, giữa một ý chí cương nghị và một trí tuệ thông minh phi thường. Từ lúc thiếu thời, ngài có tinh thần dè dặt, khiêm tốn nhưng hiếu học, có trí phán đoán quân bình và lập trường vững chắc. Ngài khôn ngoan và cẩn trọng. Khoa luật và nghề trạng sư đã tôi luyện cho ngài có biệt tài lý luận tinh vi và sắc bén.
2. Học thuyết tu đức
Đức Cha Lambert có tâm hồn luôn lắng nghe Thần Khí, hoàn toàn chịu sát tế với Đức Kitô và ký thác mình trọn vẹn trong tay Cha trên trời. Đời sống thiêng liêng của ngài quy hướng vào Ba Ngôi Thiên Chúa.
3. Tâm hồn thờ phượng và yêu mến Thánh Giá
Đức Cha Lambert rất tôn sùng Thánh Thể và thích cầu nguyện lâu giờ trước Nhà Tạm, nhất là khi phải tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn.
Ngài tha thiết yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu và khao khát đồng hóa với Người trong mầu nhiệm Tử Nạn. Ngài muốn tiêp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Cứu Thế, và sẵn sàng cho Người mượn thân xác mình để tiếp tục hy sinh.
Đức Cha Lambert cũng yêu mến đặc biệt Mẹ Maria và Thánh Giuse. Ngài quý chuộng kinh Mân Côi và tuần cửu nhật kính Đức Trinh Nữ. Ngài dành cho Đức Mẹ tước hiệu đầy vinh dự “Đấng Sáng Lập các miền truyền giáo của chúng tôi”. Riêng Thánh Giuse được chọn làm quan thầy cho Dòng Mến Thánh Giá, chủng viện, nhà thờ, nhà thương tại Juthia, cho cả Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội Đông Á.
4. Tinh thần khổ chế và nghèo khó.
Đức Cha Lambert sống khắc khổ. Ngài thường xuyên đánh tội, ăn chay, kiêng thịt và rượu, trừ ba lễ lớn: Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống. Tinh thần khổ chế của Ngài được phản ảnh rõ nét trong các bản quy luật của Hội Tông Đồ, Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế và Dòng Nữ Mến Thánh Giá.
Theo Cha A. Launey, nét nổi bật trong tính tình của Đức Cha Lambert là tự nguyện và ham thích tìm kiếm sự xỉ nhục cho mình.
5. Hồn tông đồ
Đức Cha Lambert có ý niệm cao về đời sống của người tông đồ. Theo ngài, người tông đồ phải có đời sống trổi vượt phi thường, để tạo uy tín và để gây ảnh hưởng tốt nơi môi trường truyền giáo. Phải có tinh thần khổ chế, nghèo khó, và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên. Người tông đồ phải kết hợp hy sinh với cầu nguyện. Nhiều lần Đức Cha Lambert đã nhắn nhủ các vị thừa sai của mình: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Am, anh em hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng”.
Đức Cha Lambert quan niệm người tông đồ là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Kitô, để thoa dịu nỗi khổ đau của tha nhân, trao ban cho mọi người những điều thiện hảo và phúc lành của Thiên Chúa, cùng dâng lên Người những khát vọng và đau thương của thế giới.
Người tông đồ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm sẽ có thái độ hiền lành, khiêm nhường khi tiếp xúc với tín đồ các tôn giáo bạn.
IV. Kết luận
Nơi chân dung tinh thần của Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte, điều làm cho mọi người chú ý là sự kết hợp hài hòa giữa những cực đoan. Ngài vừa nghiêm khắc, vừa nhân từ, vừa cương nghị, vừa khiêm nhu, vừa mực thước vừa giàu óc sáng tạo thích nghi. Ngài có một tâm hồn chiêm niệm sâu sắc, luôn quy hướng về Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh, giữa những sinh hoạt tông đồ đa dạng.
Riêng đối với các Nữ Tu Mến Thánh Giá, Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte là vị sáng lập, là người cha thiêng liêng đã khai sinh bên bờ Đông Nam lục địa Châu Á, dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Châu và trực tiếp hướng về công cuộc truyền giáo cho lương dân. Việc sáng lập Dòng Mến Thánh Giá xuất phát từ một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt của ngài về Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
Ngài được Chúa Thánh Thần chọn làm trung gian chuyển đạt ơn đoàn sủng cho Dòng Mến Thánh Giá. Chính ngài đã sống đoàn sủng đó trong đời sống thiêng liêng và tông đồ, đến mức độ trở thành mẫu mực cho con cái mình là các Nữ Tu Mến Thánh Giá.