Bí Tích Của Sự Thinh Lặng

Chúng ta học biết ý nghĩa thông thường của bí tích là dấu chỉ thông ban ân sủng của Thiên Chúa cho con người. Song bí tích của sự thinh lặng không nằm trong các sách giáo lý chúng ta được học, mà chỉ vì trong một khía cạnh suy tư rộng hơn, chúng ta bắt gặp nơi đó một ý nghĩa tương tự: qua, nhờ, và trong sự thinh lặng, Thiên Chúa đến hiện diện và trò chuyện với con người.

Lật lại các câu chuyện của Cựu Ước, chúng ta sẽ bắt gặp việc Thiên Chúa đến với con người trong những khoảnh khắc thinh lặng, thanh bình. Ấy như tiếng gọi của Người đối với cậu bé Samuel đang khi ngủ (1Sm 3,1-10). Hay Thiên Chúa đến với ngôn sứ Êlia không phải trong những náo động của thiên nhiên mà chỉ trong cơn gió “nhẹ thoảng hiu hiu” (1V 19,9-13). Cũng thế, sứ thần của Chúa đến với ông Dacaria trong nơi cực thánh của sự thinh lặng hay cũng đến với Đức Mẹ và Cha Thánh Giuse trong những thời khắc tĩnh lặng của cuộc sống thường nhật. Chính Đức Giêsu cũng lui về nơi thanh vắng để gặp gỡ Cha Người như: “Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23); “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Hay sự thinh lặng của người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến trước ngôi mộ trống để rồi tin (Ga 20,1-10). Và còn sự lặng lẽ vào bờ với mẻ lưới trống không để rồi gặp được Thầy trong sự ngỡ ngàng không nói nên lời (Ga 21,4-14).

Ngày hôm nay, nơi nguyện đường vẫn giữ cho mình một sự thinh lặng thánh thiêng với sự hiện diện của Nhà Tạm – Nơi Thánh Thể ngự và chiếc đèn chầu lặng thầm sáng. Điều đánh động tôi hơn cả đấy chính là sự hiện diện lặng thinh của các Sơ lớn tuổi. Nhìn vào các Sơ tôi thấy cả hiện tại lẫn tương lai. Một cuộc đời mà phần lớn là hoạt động, hăng say cống hiến, để rồi đến cuối chặng đời là đi dần về thinh lặng. Có lẽ phần tĩnh lặng nói nhiều điều ý nghĩa hơn chăng cho một cuộc đời tận hiến? Các Sơ có câu trả lời rõ hơn tôi. Nhưng sự hiện diện trong thinh lặng trước Thánh Thể lặng yên kia là cả một bí tích tình yêu của một cuộc đời trọn vẹn thuộc về Chúa.

Do đó, đi vào thinh lặng là đi vào một nhiệm tích của tình yêu. Đi vào thinh lặng là để kết nối hơn chứ không là thu mình lại. Đi vào thinh lặng là để tình yêu lớn lên và sợ hãi biến tan. Đi vào thinh lặng là nên một, là để ta được ở trong Người và Người ở trong ta (Ga 14,20).

-icrealitynt-