TRÁI TIM BÊN LỀ

Một nhạc phẩm khá nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Khải Tuấn với giọng ca để đời – Bằng Kiều, ca khúc “Trái tim bên lề” tựa như một vết cứa thâm sâu vào trái tim của một tình yêu thiết tha đợi chờ. Hẳn là đau vì ở bên lề, bị làm ngơ, bị thờ ơ. Một tình yêu đợi chờ không lời phản hồi. Cả bài hát tha thiết như một tâm sự của anh chàng thầm yêu cô nàng. Tình yêu đơn phương hay đó là sự cao thượng của tình yêu khiến anh chàng ngập ngừng sợ nói ra mà chỉ dám để trong lòng và thầm hy vọng cô nàng hiểu được, hay ít là sẽ chọn anh sau những lựa chọn khác bất thành? Nỗi đau và cô đơn tiếp tục đến những ca từ cuối cùng vì một “tình yêu trót trao em rồi”! Đây chỉ là một gam màu khác của bức tranh tình yêu nhân gian cho ta thấy tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Quả thật, mấy khi tình yêu không vương vị đắng cay để nó thêm huyền diệu và thâm sâu. Không ai muốn yêu mà đau, muốn cười phải khóc, muốn ngọt phải chua cay cả! Nhưng hương vị nhân gian đâu đòi hỏi trước sau mà chỉ là sự hòa trộn để tạo nên sự độc nhất trong trái tim mỗi con người. Thế nên, hãy cứ yêu! Yêu đời, yêu người, yêu ngay cái xấu xí, xù xì nơi mình mà Tạo hóa ban cho.

Mình không yêu chính cái gì rất là mình thì làm sao mình yêu cái gì nơi con người kia, kẻ ở ngoài mình, là những người thân, là tha nhân, là anh chị em trong cộng đoàn? Vậy thì cứ yêu tha thiết, yêu mãnh liệt, yêu đến nỗi dám đau một đời, dám liều cuộc đời vì người mình yêu xem! Chẳng còn cuộc sống thứ hai nữa để mà yêu, mà mong, mà đợi chờ một tình yêu hoàn hảo vì khi ta tính toán thì cũng chẳng còn thời gian để yêu thương. Hơn nữa, chẳng phải vị Thiên Chúa có tên Giêsu đã đi vào cuộc đời với một trái tim bằng thịt cũng đã yêu tha thiết đến độ bị đâm thâu đó sao!

Một Trái Tim “bên lề” nhưng không hề oán trách, than van mà vẫn cứ muốn “yêu cho đến cùng”! Thánh Augustinô chẳng đã từng nhắn nhủ: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.” Lời mẹ thánh Têrêsa Calcutta như thấm thía điều này khi nói: “Bạn hãy cho đến mức đau khổ và bị tổn thương.”

Ngày hôm nay, những người môn đệ theo Đức Giêsu trong đời tận hiến cũng được chất vấn chính bởi một thứ tình yêu như thế. Hẳn trước hết là tình yêu dám liều mình để yêu trọn vẹn Đấng đã mời gọi họ đi vào một cuộc tình “tuy có đắng cay nhưng đầy ngọt ngào”. Đồng thời, cuộc tình này đòi hỏi, thúc bách họ mở rộng con tim để yêu và tiếp tục cho đi mặc cho người đời khước từ. Vì dẫu thế nào đi nữa, tình yêu của người môn đệ có bị người đời xem thường, có bị gạt sang bên lề thì chẳng bao giờ họ bị loại ra khỏi tình yêu trong Trái Tim Thiên Chúa cả.

Hẳn có người đã từng nhìn thấy bức tranh nổi tiếng của Holman Hunt đặt trong thánh đường Phaolô ở Anh trong thực tế hay qua phương tiện truyền thông. Tác giả khắc hoạ một Đức Giêsu đứng bên ngoài với cây đèn lồng mà gõ cánh cửa không có tay khoá bên ngoài. Điểm nhấn nằm ở chỗ này, vì chỉ có người bên trong ngôi nhà mới có thể mở để cho phép người bên ngoài vào. Trái tim Thiên Chúa cũng tựa như đang bên lề mà gõ, mà đợi chờ con người mở cửa con tim mình vậy. Nhưng đấy cũng là trái tim của những người môn đệ theo Đức Giêsu khi diễn tả tình yêu của mình trong thế giới hôm nay. Vậy cứ hãy cứ yêu như Đức Giêsu yêu vì chính Người đã yêu chúng ta trước (x. 1Ga 4,10).

-icrealitynt-