Lòng Biết Ơn

Lc 17:11-19

Khi Chúa Giêsu đi ngang qua Samari và Galilê, thì có 10 người phong hủi tiến đến với Người. Họ đứng cách xa Người và  xin Người chữa lành. Những người cùi được xem là ô uế đối với luật Do Thái. Bệnh cùi là bệnh truyền nhiễm và phái sống cách ly khỏi cộng đoàn và gia đình. Họ phải la lớn tiếng khi đến gần người khác để người khỏe mạnh biết và tránh xa họ. Những người cùi không được đến đền thờ tham dự các nghi lễ chung. Họ phải đối diện với nhiều áp lực: gia đình, kinh tế, và xã hội. Tất cả đều xa lánh họ. Chúa Giêsu chữa cho họ bằng cách nói họ đi trình diện tư tế. Họ đi và được lành. Việc trình diện tư tế là việc đầu tiên để họ được công nhận khỏi bệnh phong và được gia nhập lại với cộng đồng. Tất cả 10 người được lành nhưng chỉ có 1 người quay lại cám ơn Chúa. 

Lời Chúa mời gọi ta hãy có lòng biết ơn. Biết ơn Chúa và biết ơn nhau. Lòng biết ơn là trí nhớ của con tim. Không quan tâm, không yêu mến thì không thể thốt lên tiếng cám ơn. Lời cảm ơn và xin lỗi phải được luôn đặt trên môi miệng chúng ta. Ta không tự mình mà có nhưng sự có mặt trong cuộc đời này quả là một hồng ân mà mỗi ngày ta lãnh nhận biết bao. “Ơn ai một chút chớ quên, phiền ai một chút để bên cạnh lòng.” Hai tiếng “cám ơn” thật ngắn ngủi nhưng lại có hiệu quả rất lớn. Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh vì chính Ngài chăm sóc cuộc đời ta. Hãy cám ơn nhau vì đó là phép lịch sự tối thiểu. Lời cảm ơn của cỏ cây đối với bác làm vườn là sức sống và phát triển của cây. Lời cảm ơn ta dành cho nhau là chính là một cuộc đời xả thân, cho đi không tính toán qua mọi hành động bác ái và sự quan tâm cần thiết. 

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì muôn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Cảm tạ Chúa vì món quà cuộc sống Chúa đã ban. Cám ơn Chúa vì mọi sự Chúa đã dựng nên để cho chúng con hưởng dùng. Tạ ơn Chúa khi bình minh và lúc hoàng hôn và đến muôn đời con xin cảm tạ Chúa.

Mai Thanh, MTGGV